Đánh giá ASUS RoG Strix GL553VD
Thiết kế tổng thể: tone đỏ cam đặc trưng của dòng RoG Strix, cải tiến mạnh mẽ từ GL552VW
Thiết kế của GL553VD tiếp tục kế thừa những ưu điểm của GL552VW như nắp máy bằng nhôm phay xước, hoàn thiện cứng cáp và độ mỏng tương tự. Tuy nhiên, nếu đặt GL552VW và GL553VD cạnh nhau thì vẻ ngoài của 2 chiếc máy hoàn toàn khác biệt. GL533VD mang hơi hướng thiết kế của dòng RoG Strix, khá giống với GL502VT ở phân khúc cận cao cấp với tone màu chủ đạo là đen và cam thay vì xám đỏ như GL552VW.
Dòng RoG Strix GL500 series năm nay tiếp tục có 2 phiên bản là GL553VD và GL753VD tương ứng với 2 cỡ màn hình là 15,6″ và 17,3″. Thiết kế y hệt, chỉ khác GL753VD có màn hình lớn hơn và viền màn hình mỏng hơn. Kích thước của phiên bản GL553VD là 383 x 255 x 30 mm, trọng lượng 2,5 kg.
Như đã nói, phần nắp máy được thiết kế giống hệt GL502VT nhưng logo RoG lẫn 2 dải màu cam 2 bên đều được tích hợp đèn, phát sáng trong đêm khá ngầu. Đây là một thay đổi nhỏ về thiết kế nhưng rất đáng chú ý bởi xưa nay những dòng máy tầm trung của ASUS thường không được thừa hưởng nhiều về thiết kế của các dòng cao hơn.
Tuy nhiên, vỏ nhôm mỏng trong khi màn hình LCD và vỏ lại không được ép sát thành ra khoảng trống giữa 2 thành phần này khá lớn, khi nhấn ngón tay xuống thì lớp vỏ này dễ dàng lõm xuống khiến chiếc máy trở nên ọp ẹp không đáng có. ASUS hoàn toàn có thể làm tốt hơn với thiết kế này. Và vỏ máy cũng rất dễ bám vân tay.
Tương tự GL502VT, GL553VD cũng có cụm tản nhiệt được sơn màu cam. Một điểm đáng chú ý là chiếc máy này có khe tản nhiệt lớn đặt tại cạnh trái máy thay vì 2 khe đặt phía sau.
So với GL552VW, GL553VD mỏng hơn và nhẹ hơn đôi chút với cùng form máy 15,6″. Các cổng kết nối trên GL553VD vẫn rất đầy đủ với 2 x USB 3.0, 1 x USB 2.0, 1 x USB 3.1 chuẩn C, HDMI và LAN. Các cổng USB chuẩn A trên GL553VD cũng có phần nhựa bên trong được làm màu cam theo phong cách của dòng GL502VT trước đây. Cổng USB 3.1 chuẩn C không hỗ trợ Thunderbolt 3 vốn vẫn là một trang bị hiện chỉ có trên các dòng máy cao cấp.
Ổ quang vẫn còn trên GL553VD, một trang bị có lẽ hơi thừa bởi những chiếc đĩa DVD đã không còn phổ biến từ lâu. Tuy nhiên, chúng ta có thể thay thế ổ quang bằng caddy bay để gắn thêm một ổ HDD hoặc SSD khác.
Toàn bộ đáy máy là một tấm nhựa liền khối và việc mở máy để vệ sinh hay nâng cấp khá dễ dàng. Có tổng cộng 11 con ốc 4 cạnh để tháo, tháo xong nạy nhẹ nắp máy là toàn bộ bộ lòng của GL553 lộ nguyên hình. Từ đáy máy có thể thấy 2 loa được đặt tại cạnh trước, hơi hướng xuống dưới nhằm khai thác hiện tượng cộng hưởng giúp âm thanh đầu ra lớn hơn.
Màn hình và âm thanh: tấm nền IPS chất lượng cao, âm thanh quá thiếu bass
ASUS RoG Strix GL553VD được trang bị màn hình 15,6″ độ phân giải FHD và sử dụng tấm nền IPS khá chất lượng của BOEhydis. Đây cũng là lợi thế của GL553 so với các đối thủ cùng phân khúc bởi đa phần những mẫu máy chơi game tầm giá này chỉ được trang bị màn hình TN.
Chất lượng tấm nền IPS trên chiếc màn hình này rất tốt. Sử dung Spyder4Elite, kết quả đo cho thấy độ bao phủ màu sắc của tấm nền này đạt 95% sRGB, 74% Adobe RGB, độ sáng tối đa 280 nit và độ tương phản 700:1 ở độ sáng 100% và 680:1 ở độ sáng 50 – 75%. Độ chính xác màu của tấm nền cũng đạt tỉ lệ gần với lý tưởng với thang Delta-E trung bình đạt 1.75 (lý tưởng nhất là 1.0).
Độ sáng tối đa của màn hình đo được là 272 nit (100%), tối thiểu là 16,7 nit (0%), độ phân bổ độ sáng tại các vùng trên màn hình (chia làm 9 phần bằng nhau) khá đều với mức chênh lệch từ 255 đến 272 cd/m2. Mặc dù vậy, độ sáng này chỉ vừa đủ, mình kỳ vọng chiếc màn hình này có độ sáng trên 300 nit để sử dụng dưới ánh nắng ngoài trời tốt hơn bên cạnh lớp matte chống chói. Với độ sáng này, anh em thường sử dụng máy vào ban đêm sẽ hài lòng bởi nó không quá chói.
GL553VD có 2 loa đặt tại cạnh trước, âm thanh đầu ra có độ lớn tối đa đo được là 75 dB và chất lượng âm thanh có thể nói khá tệ. ASUS hầu như không đầu tư nhiều vào 2 chiếc loa này khiến loa thiếu bass nặng, dù dải mid và treble khá tốt. Do đó trải nghiệm chơi game trên chiếc máy này thiếu hấp dẫn, nghe nhạc cũng không hay, chỉ xem phim là tạm được.
Bàn phím và bàn rê: bàn phím RGB hành trình sâu gõ rất đã, bàn rê nhạy với driver Precision Touchpad
ASUS RoG Strix GL553VD được trang bị bàn phím thiết kế mới, về layout, keycap lẫn hệ thống đèn. Layout phím có một số thay đổi so với layout truyền thống của dòng G với 4 phím điều hướng được thu nhỏ lại đôi chút nhưng bố trí cân đối, khá tách biệt với khu vực phím chính lẫn phím số nên việc tìm và nhấn dễ dàng hơn.
Cảm giác nhấn phím được cải thiện rất nhiều với hành trình 2,5 mm sâu hơn so với GL552VW với chỉ 1,8 mm. Cấu trúc xương phím scissor không ổn định, lắc nhẹ keycap sẽ thấy khá lỏng lẻo nhưng bù lại cho độ nẩy tốt.
Nâng cấp đáng chú ý tiếp theo là đèn backlit RGB với 4 vùng màu, có thể tùy biến 16,8 triệu màu và nhiều hiệu ứng thông qua phần mềm RoG AURA. Mình đánh giá cao chất lượng LED bởi độ chính xác khi tùy biến màu, hiệu quả chiếu sáng tốt với 3 mức sáng, toàn bộ ký tự trên keycap đều được soi rõ.
Bàn rê trên GL553VD có kịch thước 10,5 x 7,5 cm, bề mặt được làm bằng nhựa, phủ mịn, có viền chỉ đỏ và hỗ trợ đa điểm. Bàn rê cũng sử dụng driver Microsoft Precision Touchpad nên tốc độ phản hồi nhanh, trải nghiệm sử dụng mượt mà và chính xác. 2 phím chuột được tích hợp bên dưới bàn rê, rất dễ bấm.
Cấu hình:
ASUS RoG Strix GL553VD nâng cấp trực tiếp từ GL552VW nên cấu hình máy được nâng cấp tương quan với phiên bản cũ. Sẽ có 2 tùy chọn CPU gồm Intel Core i7-7700HQ (thay cho 6700HQ) và Core i5-7300HQ (thay cho 6300HQ). GPU cũng tương tự sẽ có 2 tùy chọn là Nvidia GeForce GTX 1050 phiên bản 2 GB hoặc 4 GB GDDR5, nâng cấp từ GTX 960M 2 GB/4 GB GDDR5 trên GL552VW.
Core i7-7700HQ là phiên bản CPU 4 nhân thế hệ Kaby Lake thay thế cho Core i7-6700HQ phổ biến trên các mẫu laptop hiệu năng cao năm ngoái. So với người tiền nhiệm, Core i7-7700HQ có xung nhịp cơ bản cao hơn 200 MHz nhưng vẫn giữ mức TDP 45 W. Hiệu năng xử lý đa nhân của Core i7-7700HQ không chênh nhiều so với Core i7-6700HQ nhưng với lợi thế về xung nhịp, mức chênh lệch về hiệu năng xử lý đơn lõi sẽ vào khoảng 10%. Ngoài ra, một ưu điểm của Core i7-7700HQ đó là hỗ trợ bộ nhớ RAM DDR4 với tốc độ 2400 MHz trong khi tốc độ RAM tối đa mà Core i7-6700HQ là 2133 MHz.
GPU Nvidia GeForce GTX 1050 trên GL553VD đang chạy ở tốc độ tối đa PCIe 3.0 x16. Phiên bản GTX 1050 trên laptop sử dụng chip GP107 (Pascal) với 640 nhân CUDA, chạy ở xung nhịp từ 1354 MHz đến 1493 MHz (Boost). Loại bộ nhớ đi kèm cũng là GDDR5 dung lượng 4 GB, độ rộng bus nhớ 128-bit, xung nhịp bộ nhớ 7000 MHz. Trong khi đó phiên bản tiền nhiệm là GTX 960M dùng chip GM107 (Maxwell 2) cũng có 640 nhân CUDA nhưng xung nhịp thấp hơn nhiều với 1029 đến 1097 MHz, xung nhịp bộ nhớ cũng chỉ tối đa ở 5000 MHz. Trên thực tế hiệu năng của GTX 1050 sẽ cao hơn GTX 960M khoảng 20% và nhỉnh hơn đôi chút so với GTX 965M.
Máy có sẵn một thanh RAM 8 GB DDR4-2400 của Samsung, vẫn còn trống 1 khe SO-DIMM để chúng ta nâng cấp về sau. Ngoài ra, trên bo mạch chủ còn có khe M.2 2280, mình đã thử gắn ổ WD Black 512 GB PCIe NVMe và chiếc ổ này cũng chạy được ở tốc độ tối đa PCIe 3.0 x4.
Nâng cấp: rất dễ nâng cấp và bảo trì
Như vậy chiếc ASUS RoG Strix GL553VD có cấu hình khá tốt nhưng vẫn thiếu tốc độ từ ổ SSD. Chúng ta có thể mua thêm ổ M.2, giá dòng ổ này cũng khá đa dạng, nếu chỉ dùng ổ SATA III AHCI thì giá khá rẻ và mình nghĩ nhu cầu thông thường của anh em thì SATA III là đủ. Tuy nhiên, nếu có điều kiện thì anh em nên đầu tư hẳn ổ NVMe để khai thác tốc độ truy xuất cao hơn.
GL553VD có thiết kế dễ mở với đáy máy là một khay nhựa liền khối, gỡ vài con ốc và nạy xung quanh là có thể tiếp cận được toàn bộ phần cứng.
Bộ lòng của GL553VD gọn gàng và ASUS dán khá nhiều lớp băng keo đen cách nhiệt/điện và bảo vệ cho phần cứng. Từ đây chúng ta có thể thay:
Ổ cứng 2,5″ và ổ M.2 2280 nằm gần nhau. Ổ M.2 trong hình là mình gắn thêm vào.
2 khe SO-DIMM nằm dưới tấm băng keo, 1 khe đã có sẵn thanh 8 GB. Bạn có thể gắn thêm một thanh 8 GB để chạy dual-channel.
Điểm đáng chú ý là hệ thống tản nhiệt của GL553VD chỉ có 2 ống đồng dẫn nhiệt đi bắt ngang giữa CPU và GPU ra heat-sink cỡ lớn và nhiệt được giải phóng chỉ với một quạt. Chiếc quạt này có đường kính lớn, đặt trong khoang trôn ốc.
Trải nghiệm game: đủ mạnh để chơi nhiều tựa game AAA ở thiết lập cấu hình med-high
- Call of Duty: Infinite Warfare: 1920 x 1080 – đồ họa Ultra: 48 fps
- Doom 3: 1920 x 1080 – đồ họa Ultra (OpenGL 4.5): trung bình 53 fps (CPU 83 độ C, GPU 79 độ C)
- The Witcher 3: Wild Hunt: 1920 x 1080 – đồ họa Ultra: 21 fps > High: 32 fps
- GTA V: 1920 x 1080 – đồ họa Ultra: trung bình 28 fps (CPU 80 độ C, GPU 78 độ C)
GTX 1050 trên GL553VD đạt hiệu năng đồ họa rất tốt, GPU luôn đạt được xung nhịp tối đa 1354 MHz khi chạy full load khiến cho tỉ lệ khung hình khi chơi các game AAA ở thiết lập Med – High khá ổn định. So với GTX 965M, hiệu năng đồ họa của GTX 1050 gần như y hệt, tỉ lệ khung hình với các game nói trên đều tương đương.
Nhiệt độ và pin: 1 quạt tản nhiệt khá hiệu quả nhưng ồn khi max load, thời lượng pin ngắn
ASUS RoG Strix GL553VD chỉ có 1 quạt tản nhiệt nhưng chiếc quạt này đã làm khá tốt nhiệm vụ của nó. Thông qua phần mềm RoG Gaming Center, bạn đã có thể tùy chỉnh tốc độ quạt tản nhiệt cũng như giám sát chi tiết hơn về trạng thái hoạt động của phần cứng. Chiếc quạt này khi tải nhẹ chỉ có tốc độ quay khoảng 3600 rpm nhưng khi cần có thể đẩy lên 5100 rpm nhưng nhìn chung, nhiệt độ CPU và GPU vẫn không đạt được mức lý tưởng và về lâu dài có thể ảnh hưởng đến hiệu năng hệ thống.
Ở chế độ quạt tự động, tốc độ quạt không quá 4800 rpm, mình cho stress test CPU và GPU bằng Furmark thì kết quả cho thấy: CPU không quá 86 độ C, GPU ổn định ở 74 độ C. Khi chơi game Doom 3 với thiết lập đồ họa tối đa, nhiệt độ CPU và GPU lần lượt là 83 và 79 độ C.
Với tốc độ quạt 4800 rpm, độ ồn của quạt vào khoảng 65 dB, khá dễ chịu khi sử dụng trong phòng kín hay vào ban đêm.
Ở chế độ quạt tối đa 5100 prm, lặp lại bài stress test CPU và GPU với Furmark thì kết quả lần này đo được: CPU ổn định ở 81 độ C, GPU 71 độ C. Tương tự khi chơi Doom 3, nhiệt độ CPU vào khoảng 79 – 80 độ và GPU chỉ còn 74 độ C.
Dĩ nhiên đổi lại cho hiệu quả tản nhiệt tốt hơn thì tốc độ đến 5100 rpm khiến chiếc quạt hoạt động ồn ào hơn với 75 dB, bạn sẽ có cảm giác như đang được nghe tiếng xì xì phát ra từ một chiếc TV đã hết chương trình phát. Nếu anh em dùng tai nghe chơi game thì độ ồn này không thành vấn đề.
Với nội thất bằng nhựa, nhiệt độ bề mặt của GL553VD rất mát mẻ, điểm nóng nhất đo được nằm tại phần rìa ngay trên heatsink với 42,5 độ C nhưng đây là vị trí mà chúng ta sẽ ít chạm tay vào. Trong khi đó vị trí chiếu nghỉ tay trái chỉ 35 độ C, bàn rê và chiếu nghỉ tay phải 34 độ C, cụm phím WASD 36 độ C, phím giữa 35 độ và phím số 34 độ C. Nhiệt độ được đo ở điều kiện phòng thường, nhiệt độ phòng khoảng 32 độ C.
ASUS RoG Strix GL553VD được trang bị pin 48 Wh 4-cell. Benchmark thời lượng pin với PCMark 8 Home Battery tương ứng với các tác vụ văn phòng thông thường, độ sáng màn hình 75% thì thời lượng pin chỉ vào khoảng 1 giờ 53 phút. Thử nghiệm xem phim FHD trên YouTube với độ sáng màn hình 100%, âm lượng 50% thì thời lượng pin đo được vào khoảng 1 giờ 40 phút. Như vậy thời lượng pin của GL553VD khá ngắn. Một phần là do dung lượng pin chỉ 48 Wh trong khi những mẫu máy cùng phân khúc thường có pin 52 Wh. Thêm vào đó là GL553VD ngoài cấu hình chơi game thì còn phải gánh 2 phần cứng khá ăn điện là màn hình IPS và ổ cứng cơ.
Kết luận:
Tới đây thì chắc anh em đã có cái nhìn chi tiết hơn về chiếc laptop chơi game tầm trung mới nhất của ASUS. Sau tất cả thì ASUS cũng đã biết lắng nghe người dùng hơn và chịu khó đầu tư hơn ở phân khúc laptop chơi game tầm trung. GL553VD thay thế xứng đáng cho GL552VW với nhiều nâng cấp sáng giá. Thiết kế máy vay mượn từ dòng Strix GL502VT ở phân khúc cao hơn nên nhìn chung mang lại một vẻ ngoài mới mẻ hơn. Tiếp theo là màn hình IPS rất chất lượng cùng bàn phím RGB hành trình sâu. Cuối cùng là cấu hình nâng cấp với CPU thế hệ Kaby Lake cùng GPU GTX 1050 cho hiệu năng cao hơn hẳn so với GTX 960M.
Với cấu hình trên, GL553VD được bán với giá khoảng 24 triệu, ngang bằng với đối thủ Acer Aspire VX5. Nếu xét về cấu hình thì GL553VD thọt về SSD nhưng màn hình IPS lại là điểm cộng rất lớn và là lợi thế của GL553VD so với Acer Aspire VX5 cũng như nhiều mẫu máy cùng phân khúc với màn hình TN.
Mặc dù vậy, GL553VD cũng có không ít điểm mà mình chưa thích, điển hình như vỏ mỏng dễ lún, loa thiếu bass trầm trọng và hệ thống tản nhiệt chỉ 1 quạt nên hiệu quả tản nhiệt không tối ưu bằng các hệ thống 2 quạt.
Điểm mình thích:
- Thiết kế đẹp, tone màu cam đen với nhiều chi tiết nhấn có đèn LED;
- Màn hình IPS chất lượng cao;
- Đầy đủ các cổng kết nối, có USB-C;
- Bàn phím hành trình tốt, có đèn RGB, bàn rê mượt mà;
- Hiệu năng tốt trong tầm giá;
- Thiết kế dễ nâng cấp;
- Tản nhiệt khá hiệu quả với chỉ 1 quạt.
Điểm mình chưa thích:
- Vỏ nhôm dễ lún và bám nhiều dấu vân tay;
- Loa rất thiếu bass;
- Thời lượng pin ngắn;