Đánh giá Dell XPS 13 9370
Thiết kế tổng quát
Dell XPS 13 (9370) được build từ một khối nhôm duy nhất, do đó máy có độ kết nối hoàn hảo và độ bền vượt trội so với những chiếc máy dùng nhiều phần ghép nối với nhau. Bên cạnh nhôm thì XPS 13 cũng được chế tác từ sợi carbon – nguyên liệu phổ biến trong ngành hàng không vũ trụ có khả năng chịu lực cực tốt nhưng trọng lượng lại siêu nhẹ. Mọi chi tiết trên XPS 13 đều được làm tinh tế và thẩm mỹ thông qua việc bỏ bớt các chi tiết rườm rà, logo mặt trên bóng loáng bằng thép không gỉ và logo XPS mặt đáy được khắc bằng lazer. Chính vì thế trong XPS 13 gọn và đẹp mặt hơn các thế hệ trước rất nhiều.
“Cục cưng” nhà Dell có kích thước 304mm x 200mm x (9-15) mm, mỏng hơn một chút so với thế hệ tiền nhiệm của nó và chỉ nặng 1.21kg. nó dày và nặng hơn HP Spectre 13 (1.09 kg, dày 10.41mm), Lenovo ThinkPad X1 Carbon nặng 1.13kg, tuy nhiên X1 lại dày 14.7mm. Bên cạnh gam màu Đen-Bạc truyền thống, Dell còn bổ sung phiên bản màu vàng hồng phối trắng ở mặt trong. Lớp vỏ bằng sợi carbon của phiên bản màu mới khó bám bẩn, dễ lau chùi và còn được phủ lớp chống tia cực tím UV.
Màn hình
Với kích thước 13.3 inch, chúng ta có thể tùy chọn kích thước màn hình theo nhu cầu bao gồm Full HD (1.920 x 1.080) pixel và màn hình cảm ứng Ultrasharp 4K UHD (3.840 x 2.160) pixel, ở Việt Nam màn hình hầu như luôn là màn hình thường không cảm ứng. Nếu có, rất có thể là bản xách tay. Bằng công nghệ InfinityEgde, Dell đã tạo ra viền màn hình siêu mỏng, đồng thời giảm kích thước xuống từ 5,2mm còn 4mm (khoảng 23%) giúp màn hình chiếm tỷ lệ là 80.7% so với toàn thân máy.
Chất lượng hiển thị của XPS 13 9370 cũng được tăng cường bằng công nghệ CinemaColor – tấm nền cao cấp được tinh chỉnh màu sắc bằng phần cứng và phần mềm nhằm mang lại dải bao phủ màu sắc rộng hơn (100% sRGB), góc nhìn lên đến 178 độ, sắc đen sâu hơn (tương phản tĩnh 1500:1), độ chi tiết cao, cung cấp hình ảnh sắc nét, thoải mái cho nhu cầu làm việc cũng như thư giãn, giải trí. Trên bản 4K còn được phủ một lớp Corning Gorilla Glass 4 có khả năng chống phản chiếu và chống mờ. Nếu phải đem so sánh với màn hình retina của Macbook thì cũng là một chín một mười không hơn không kém.
Việc trang bị màn hình gương có khả năng hấp thụ ánh sáng và độ sáng màn hình đạt đến 349 cd/m2 nên khi sử dụng ngoài trời, hình ảnh hiển thị vẫn rõ nét dù có sự suy giảm so với trong văn phòng. Trên thực tế màn hình của XPS 13 9370 khi ra nắng vẫn còn nhiều hạn chế, mặt gương phản chiếu hình ảnh nhiều, đỡ hơn trong bóng râm, tuy nhiên nếu chạm tay vào mặt kính sẽ rất khó lau sạch.
Cấu hình
XPS 13 9370 cho chúng ta 2 sự lựa chọn CPU bao gồm Core i5-8250U và Core i7-8550U. Cả hai đều là CPU thế hệ thứ 8 của Intel, sở hữu 4 nhân và hỗ trợ siêu phân luồng(HyperThreading). Phiên bản i5 có xung nhịp tối đa là 3,4GHz và 6MB L3 cache, trong khi ở i7 là 4GHz và 8MB cache. Máy không có card đồ họa rời, tuy nhiên với card đồ họa tích hợp intel UHD Graphics 620 với khả năng hiển thị chất lượng hình ảnh lên tới 4K nên cũng đủ sức mạnh để chạy một số tựa game phổ biến hiện tại ở mức thiết lập Low, Medium. Người dùng có thể lựa chọn nâng cấp lên tối đa 16GB Ram.
Thực tế XPS 13 9370 không hề hướng đến khả năng chơi game hay các tác vụ nặng nhưng với thiết kế thông minh đi cùng khả năng tản nhiệt cực tốt, máy được cho là nhanh hơn 30% so với những đối thủ của mình. Kết hợp với công nghệ CinemaStream – hỗ trợ kết nối WiFi nhanh nhạy, XPS 13 2018 thích hợp cho người dùng có nhu cầu streaming.
Bảng so sánh điểm số khả năng đồ họa bằng phần mềm Cinebench R15 của Dell XPS 13
Bảng so sánh điểm số sức mạnh PC bằng phần mềm PCmark của Dell XPS 13
Dù vậy mình vẫn thử nghiệm một số tựa game miễn phí phù hợp với cấu hình của máy trên Steam. Điển hình như hai game bắn súng Team Fortress 2 (high) và CS-Go (Very Low). Kết quả cho thấy với CS-Go máy chỉ chơi được ở mức cài đặt very Low, trung bình khoảng 22FPS và không mượt lắm. Đến Team Fortress 2 thì mượt hơn do game nhẹ và độ họa có phần hơi hoạt hình, FPS đạt trung bình trên 100. Trong 30 phút chơi game nhiệt độ của máy gần như luôn ổn định, trung bình rơi vào khoảng 65°C, mức cao nhất là 90°C. Từ đó cho thấy tản nhiệt làm việc rất ổn định.
Bàn phím – Touchpad
Do máy quá mỏng nên hành trình phím của máy cũng ngắn hơn chỉ với 1,3 mm, nhưng bù lại bàn phím cung cấp lên đến 72 phản hồi lực khác nhau, giúp cho việc đánh máy trở nên chính xác và nhanh hơn các bản trước rất nhiều. Một chi tiết nhỏ mình không nói có thể các bạn khó nhận ra là đèn nền bàn phím có chiều hướng sáng ngược, tức là nấc đầu tiên là sáng nhất kế đến tối hơn. Độ sáng đèn nền chỉ ở mức trung bình, không quá sáng như các laptop khác, thử nghiệm trong bóng tối cho cái nhìn tạm được mình không ưng ý lắm, thiết nghĩ nên sáng thêm chút nữa sẽ tốt hơn.
Touchpad trên XPS 13 9370 được phủ một lớp kính, hãng không ghi là loại kính gì nhưng độ mượt vô cùng xuất sắc. Đây là một trong những lần duy nhất mình muốn dùng touchpad hơn thay vì dùng chuột gắn ngoài, bởi vì độ nhạy tuyệt vời “ông mặt trời “, kết hợp các thao tác đa điểm mượt mà thì không lý do gì phải gắn thêm chuột ngoài trừ khi cần sửa hình hoặc chơi một vài game nhẹ. Có thể nói so với touchpad của Macbook thì độ thoại mái của touchpad trên XPS 13 không hề thua kém, nếu không muốn nói là có thể hơn.
Âm thanh
Hệ thống âm thanh trên XPS 13 9370 được nâng cấp bằng công nghệ Dell CinemaSound – công nghệ âm thanh mới và hiện đại nhất từ Dell kết hợp với phần mềm Waves MaxxAudio Pro được quảng bá là giúp tăng âm lượng đầu ra, làm rõ âm hơn nhằm mang lại trải nghiệm âm thanh cao cấp, rõ ràng từng giai điệu. Trên thực tế khi mình tiến hành nghe liên tục nhiều bài nhạc đa thể loại thì mình thấy sẽ tuyệt vời hơn nếu loa được đầu tư thêm âm bass. Hai dãy mid và treble hoạt động tốt, âm thanh trung và cao nghe mượt và chi tiết nhưng bass yếu và mỏng nên hơi tiếc vì chưa thể đạt “cực khoái” với chất lượng như trên dù loa đã được đầu tự kỹ lưỡng. Đồng thời âm lượng cũng không qua to, chỉ ở mức vừa đủ nghe thôi.
Cổng kết nối
Phiên bản XPS 2018 lần này có một vài thay đổi về các cổng kết nối, cụ thể là hai cổng Thunderbolt 3 (USB-C) bên cạnh trái với 4 làn PCIe ở mỗi cổng, cạnh phải là một cổng USB-C PowerShare hỗ trợ DisplayPort – có tốc độ truyền tải dữ liệu lên đến 40Gbps, gấp 8 lần so với USB 3.0, cho phép người dùng kết nối máy tính với các thiết bị ngoại vi thuận tiện và nhanh chóng. Giúp cho người dùng có thể sạc cho các thiết bị ngoại vị dù máy đã tắt và có thể kết nối với màn hình chất lượng lên đến 4K.
Tiếp tục một thay đổi nữa trên XPS13 đó là webcam đã được đặt lại vị trí chính giữa viền dưới màn hình thay vì nằm lệch sang trái như các phiên bản trước, điều này vô cùng hợp lý bởi webcam nằm lệch khá là bất tiện trong việc thu nhận hình ảnh. Webcam của máy bao gồm HD webcam và camera IR để sử dụng công nghệ đăng nhập bằng khuôn mặt. Theo thức tế HD webcam cho chất lượng hình ảnh trung bình, ngược lại camera IR hoạt động khá tốt. Thực nghiệm tắt hết 100% đèn cho kết quả bất ngờ, dù trong bóng tối cũng không làm khó được khả năng nhận diện khuôn mặt trên XPS 13. Ngoài ra công nghệ mở khóa bằng dấu vân tay cũng “siêu cấp” không kém.
Dung lượng – Thời lượng pin
Bởi vì máy có thiết kế mỏng, gọn và nhẹ cho nên so với bản XPS 13 9360 thì dung lượng pin của XPS 13 9370 giảm từ 60 Whr xuống còn 52 Whr cũng không có gì lạ. Thử nghiệm test thời lượng pin sử dụng thực tế, bằng việc xem youtube (30%), nghe nhạc online (10%), đọc báo online (10%) gõ văn bản bằng Google tài liệu (50%), trong đó độ sáng luôn ở mức 90%, có kết nối bluetooth với loa, gắn thêm chuột và luôn bật wifi cho kết quả pin đạt 8h đồng hồ. Mình đã cố gắng mô phỏng mức sử dụng thông dụng hàng ngày để kết quả khách quan hơn, tuy nhiên thời lượng có thể bị thay đổi nhiều hoặc ít tùy vào tần suất sử dụng cũng như tác vụng nặng nhẹ của từng các nhân.